LỄ HỘI THÁNG 8 Ở NHẬT BẢN

Chào mừng bạn đến với website Du học Nguồn Sáng Mới Email: info@nguonsangmoi.edu.vn
Hotline (+84) 93 275 2750 (+81) 80 3868 2750
LỄ HỘI THÁNG 8 Ở NHẬT BẢN
Ngày đăng: 24/05/2022 09:04 AM

LỄ HỘI THÁNG 8 Ở NHẬT BẢN

Được biết tới là một quốc đảo, nằm gần Thái Bình Dương nên tháng 8 ở Nhật Bản khá nóng và ẩm, những cơn mưa tầm tã trong mùa cũng đã kết thúc, nhường lại cho cái nắng nóng dao động tầm 32°C. Là khoảng thời gian lý tưởng để diễn ra các hoạt động lễ hội . Hãy cùng Nguồn Sáng Mới tìm hiểu nhé  !

 1.Lễ hội Awa Odori Matsuri

Lễ hội Awa Odori Matsuri là lễ hội múa của tỉnh Tokushima. Theo tiếng Nhật, Odori có nghĩa là múa, Matsuri () có nghĩa là lễ hội, còn Awa là tên gọi cũ của tỉnh Tokushima. Awa Odori Matsuri được vinh dự biết đến là một trong những lễ hội nhảy múa truyền thống nổi tiếng nhất nhì xứ sở hoa anh đào.

Lễ hội Awa Odori Matsuri được cho là bắt nguồn từ dịp khánh thành lâu đài Tokushima năm 1586, chúa đất Hachisuka Iamasa lúc đó đã ban rượu cho người dân trong thành. Khi hơi men đã thấm, mọi người bắt đầu đứng dậy nhảy múa theo nhạc. Điệu múa Awa được cho là ra đời từ đó.

Ngày nay, lễ hội Awa Odori Matsuri đã không còn chỉ được tổ chức trong tỉnh Tokushima, rất nhiều thành phố của nước Nhật cũng tổ chức lễ hội này, trong đó có cả thủ đô Tokyo, nhưng lễ hội được tổ chức tại thành phố Tokushima vẫn là có quy mô lớn nhất.Lễ hội diễn ra trong khoảng từ 12 đến 15 tháng 8 hàng năm.

Lễ hội thường diễn ra vào buổi tối, khoảng từ 6 giờ. Người biểu diễn mặc trang phục vũ điệu truyền thống của obon , hát và diễu hành trên đường phố. Nổi bật nhất về quy mô cũng như tiếng tăm lễ hội do thành phố Tokushima tổ chức.

Tham gia lễ hội bạn sẽ được chứng kiến đoàn diễu hành nhảy điệu “Awa Odori” truyền thống đồng bộ đúng với tinh thần của đất nước võ sĩ đạo. Bất cứ ai cũng có thể nhảy múa theo nhịp điệu của samisen, trống, chuông và sáo.

Có hai phong cách nhảy cho Awa Odori:

Tuy lễ hội được tổ chức vào giữa tháng 8 – thời điểm nhiệt độ lúc nào cũng trên 30 độ, độ ẩm cao, trời nóng kinh khủng kể cả vào buổi tối. Vậy mà từng nhóm từng nhóm múa vừa múa vừa di chuyển từng chút từng chút trên cả một đoạn đường dài, mặt luôn tươi cười và hát vang theo nhạc. Chẳng ai nhớ đến cái nóng của mùa hè nữa, mọi người chỉ còn cảm thấy sức nóng của lễ hội…


 

2.Lễ hội Harajuku Omotesando Genki Matsuri Super Yosakoi

Harajuku Omotesando Genki Matsuri Super Yosakoi là lễ hội khiêu vũ diễn ra trong 2 ngày ở khu vực Harajuku Omotesando vào cuối tháng Tám hàng năm. Mỗi năm hơn 5.000 vũ công trang phục đầy màu sắc khiêu vũ nhiệt tình cùng với nhịp điệu của trống Naruko. Thậm chí lễ hội khiến cho bạn có cảm giác như bạn đang ở Brazil, xem một lễ hội hóa trang trên đường phố Rio de Janeiro vậy! Lễ hội cho thấy một hình ảnh hoàn toàn khác của người Nhật, không hề nhút nhát mà tràn đầy năng lượng và tâm hồn người Nhật cũng được thể hiện qua vũ đạo của họ.

Harajuku Omotesando Genki Matsuri Super Yosakoi là lễ hội khiêu vũ Yosakoi lớn nhất tổ chức hàng năm tại Tokyo. Đầu tiên được phát triển ở thành phố Kochi vào năm 1954 nhằm cổ vũ tinh thần mọi người vượt qua khó khăn, múa Yosakoi dần trở nên phổ biến trên khắp Nhật Bản. Hiện nay, có hơn hai trăm lễ hội Yosakoi tổ chức trên khắp Nhật Bản từ Hokkaido đến Kyushu.

Bí quyết cho sự phổ biến ngày càng tăng của lễ hội nằm chủ yếu ở khả năng thích ứng linh hoạt của nó. Nhạc nền Yosakoi có thể là bất kỳ phong cách âm nhạc nào từ rock tới samba miễn là được sáng tác dựa trên bài hát gốc “Yosakoi Naruko Odori”. Sự linh hoạt này đã thúc đẩy các vũ công Nhật Bản, đặc biệt là giới trẻ, tham gia vào lễhội. Hôm nay, Yosakoi được biểu diễn vào các ngày khác nhau ở các trường tiểu học, THCS và THPT Nhật Bản cũng như nơi làm việc.

Sự phổ biến của Yosakoi thậm chí đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Trong nhiều năm, múa Yosakoi đã được biểu diễn bởi nhiều nhóm múa trên toàn cầu.

            

3.Lễ hội lửa Daimonji

Nhật Bản là một trong những quốc gia nổi tiếng với nhiều hoạt động lễ hội khác nhau.Và nổi tiếng trong số đó là lễ hội Daimonji. 

Daimonji Gozan Okuribi hay còn gọi là sự kiện lễ hội lửa Daimonji là một sự kiện được tổ chức vào khuya ngày 16 tháng 8, khi đó 1 biểu trưng chữ "Nhân" trong tiếng Trung Hoa đồ sộ được đốt cháy trên các sườn dốc của ngọn núi chung quanh lưu vực sông Kyoto.

Đó là 1 trong những ám hiệu cho sự kết thúc mùa hè. Tại 5 ngọn núi quanh thành phố, các ngọn lửa lớn mang hình 6 kí tự và hình tượng Trung Hoa được đốt lên khi sự kiện lễ hội kết thúc. Những ngọn lửa này được đốt lên để đưa tiễn chân vong hồn người chết quay về thế giới bên kia sau khi họ về thăm thân nhân của mình. Mặc dù có rất nhiều cách hiểu về nguồn gốc của sự kiện này, người ta vẫn thường quan niệm đây là 1 sự kiện tiễn chân các vong hồn người đã khuất.

8 giờ tối, những ngọn lửa với 5 hình dạng khác nhau được đốt lên. 3 trong số đó mang kí tự Trung Hoa, 3 ngọn lửa còn lại mang những hình dạng quen thuộc. Hình dạng, vị trí, giờ đốt cháy đều mang tác phong riêng.

Ngọn lửa nổi tiếng nhất và được đốt lên đầu tiên là ngọn mang hình chữ Dai ( ) trên núi Daimonji. Những ngọn lửa kế tiếp được đốt sau mỗi 5 hay 10 phút và vào 8 giờ 30 phút, bạn có thể chiêm ngưỡng cả 5 ngọn.

Ngọn lửa đốt cháy khoảng 30 phút trên mỗi vùng núi. Hơn nữa, nó đã được tin rằng thời cổ xưa, nếu bạn uống ly nước trong buổi lễ mà hình ảnh của Daimonji được phản chiếu trong ly nước của bạn, bạn sẽ được trông coi khỏi bệnh tật và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Thành phố Kyoto là nơi diễn ra lễ hội Daimonji Gozan Okuribi, nó được tổ chức ở toàn bộ các nơi trong thành phố này vào ngày 16-8 hàng năm.

 

4.Lễ hội Fukagawa Hachiman

Fukagawa Hachiman là lễ hội thường niên được tổ chức tại Tomioka Hachimangu. Một trong những đền thờ lớn nhất ở quận Koto của thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Lễ hội diễn ra vào ngày 15/8 hàng năm và là một trong những lễ hội mùa hè sôi động nhất xứ Phù Tang. 

Tomioka Hachimangu còn có tên gọi Tomioka Yawata là ngôi đền thờ Thần đạo có từ thời Edo được xây dựng vào năm 1627. Fukagawa Hachiman cùng với Sanno tại đền thờ Hie ở Akasaka và Kanda tại Kanda Myojin được mệnh danh là "tam đại lễ hội của Edo", được tổ chức vô cùng hoành tráng và sôi động.

Người Nhật có câu "Fukagawa có mikoshi, Kanda có dashi, còn Sanno có Hie". Nếu như đặc trưng của lễ hội Kanda là xe dashi, tâm điểm của lễ hội Sanno là ngôi đền Hie - nơi thu hút rất nhiều người đến, thì "ngôi sao" của lễ hội Fukagawa chính là chiếc kiệu mikoshi được trang trí lộng lẫy và cầu kì.

Hàng năm lễ hội Tomioka Hachimangu thu hút khoảng 30.000 người tham gia và nửa triệu lượt người xem. Hoạt động chính của lễ hội là nghi thức rước mikoshi. Hơn 50 chiếc mikoshi chở miếu thờ di động sẽ được đội khiêng kiệu diễu hành qua các con phố dưới sự cổ vũ của hàng triệu người xem.

Màn đặc biệt được mọi người chờ đón nhiều nhất trong lễ hội là màn té nước sôi động. Khi người khiêng kiệu hô vang "washoi washoi" thì hàng triệu người xem xung quanh sẽ đồng loạt té nước lên các mikoshi cũng như người khiêng kiệu. Theo quan niệm của người dân Nhật Bản, nghi thức này vừa giúp thanh lọc đền thờ vừa làm mát cho những người khiêng kiệu đang gánh hàng nghìn kg trên vai.

Ngay cả cơ quan cứu hỏa địa phương cũng nhiệt tình tham gia lễ hội. Lính cứu hỏa dùng vòi rồng phun nước vào đám đông một cách đầy hứng khởi. Mặc dù tháng 8 là thời điểm nóng nhất trong năm tại Nhật, nhưng cảnh tượng tại nơi diễn ra lễ hội lại không khác gì như có trận mưa lớn vậy.

Cứ ba năm một lần, nghi lễ Honmatsuri sẽ được tiến hành. Đây là nghi lễ khi cỗ xe hoàng gia của đền Tomioka Hachimangu diễu hành cùng với lễ rước 50 kiệu mikoshi của các giáo dân.

Kết thúc lễ hội là màn trình diễn ngoạn mục khi các đội tung mikoshi nặng 2.500 kg lên không trung như một màn thể hiện năng lượng và sức sống.


5.Lễ tưởng niệm các nạn nhân ở thành phố Hiroshima

Ngày 6 tháng 8 nước Nhật tổ chức lễ tưởng niệm 71 năm sự kiện thành phố Hiroshima bị ném bom, kêu gọi thế giới từ bỏ loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này.

Vào ngày 6-8-1945, một quả bom nguyên tử đã phá hủy thành phố của chúng ta. Thời đó có người nói sẽ không có gì sống được ở đây cho tới 75 năm sau", Hãng tin Reuters dẫn lời phát biểu của thị trưởng Kazumi Matsui.Và Hiroshima đã hồi phục, trở thành biểu tượng của hòa bình.

Vào lúc 8h15 ngày 6-8-1945, máy bay chiến đấu B-29 của Mỹ đã thả quả bom có tên là "Little Boy" xuống thành phố Hiroshima, giết chết trực tiếp 70.000 người trong số 350.000 người dân, làm bị thương 70.000 người và để lại các bệnh liên quan đến phóng xạ.

Theo AP, cùng với việc nhắc lại một nỗi đau kinh hoàng trong lịch sử nước Nhật, nhân lễ tưởng niệm sự kiện 71 năm ném bom nguyên tử ở thành phố Hiroshima, chính quyền Nhật Bản kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy theo gương tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm thành phố từng là nạn nhân của bom nguyên tử.

Dẫn lại một đoạn trong bài phát biểu tại Hiroshima hồi tháng 5 năm nay của ông Obama, thị trưởng Kazumi Matsui kêu gọi các nước có vũ khí hạt nhân hãy "đủ dũng cảm để thoát khỏi logic của nỗi sợ hãi và tiến tới một thế giới không còn vũ khí hạt nhân".

Ông Kazumi Matsui nói: "Chúng ta phải khiến cho các nhà hoạch định chính sách hoàn toàn tin tưởng rằng có thể tạo nên một thể chế an toàn dựa trên niềm tin và đối thoại. Một lần nữa, tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy tới thăm những thành phố từng bị ném bom nguyên tử".

Lý do theo ông thị trưởng thành phố Hiroshima, những chuyến viếng thăm như vậy "sẽ khắc sâu vào trái tim họ hiện thực tàn khốc của những vụ ném bom nguyên tử".

Khoảng 50.000 người đã tham gia lễ tưởng niệm tại Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima gần khu vực bị ném bom.

6.Lễ hội Nebuta

Lễ hội Nebuta tại Aomori là một lễ hội mùa hè được tổ chức từ mùng 2 đến mùng 7 tháng 8 hàng năm, được coi là một trong những sự kiện tuyệt vời nhất của vùng Tohoku . Những con búp bê giấy khổng lồ đáng kinh ngạc chính là lý do thu hút hơn 3 triệu du khách đến thăm mỗi năm.

Lễ hội Nebuta là lễ hội Tanabata lớn nhất trong ba lễ hội chính của vùng Tohoku. Lễ hội được tổ chức thường niên ở thành phố Aomori từ ngày mùng 2 đến ngày mùng 7 tháng 8. Điểm nhấn của lễ hội là lễ diễu hành những chiếc kiệu lồng đèn khổng lồ, rực rỡ sắc màu diễn ra mỗi ngày, theo sau là những chiếc trống taiko lớn, người chơi nhạc cụ và các vũ công.

Các nhóm người tại địa phương mất cả năm để thiết kế và làm ra đèn lồng để tạo ra các kiệu đèn lồng. Chúng thường rộng tới chín mét và cao tới năm mét. Các nhân vật được vẽ thường là các nhân vật thần thoại, các vị thần, nhân vật lịch sử, diễn viên kabuki hoặc thậm chí các nhân vật truyền hình, đặc biệt là từ các bộ phim truyền hình "taiga" lịch sử.

Có khoảng 30 kiệu đèn lồng sáng rực rỡ tại lễ hội. Cuộc diễu hành được tổ chức vào ban đêm trong suốt lễ hội, ngoại trừ vào ngày cuối cùng cuộc diễu hành sẽ diễn ra vào buổi chiều. Lễ hội khép lại với màn trình diễn pháo hoa kéo dài hai giờ, mà vị trí đứng xem đẹp nhất là dọc theo bờ sông hoặc từ Cầu bắc qua Vịnh Aomori.

 

7.Lễ hội Akita Kanto

Lễ hội Akita Kanto là sự kiện truyền thống so tài bằng kỹ năng sử dụng gậy Kanto treo đèn lồng. Đây là một trong 3 lễ hội lớn của vùng Tohoku, bao gồm lễ hội Aomori Nebuta và Sendai Tanabata. Khung cảnh những chiếc sào được treo lồng đèn lung linh thắp sáng bầu trời đêm trông thật lôi cuốn. 

Lễ hội Akita Kanto được tổ chức tại tỉnh Akita, vùng Tohoku. Thời gian sự kiện được tổ chức 4 ngày liền, từ ngày 3/8 - 6/8 hàng năm. Lễ hội bắt nguồn từ sau những năm 1700.

Phong tục Neburi-nagashi cầm gậy sào dài có treo lồng đèn đốt lửa, vừa đánh trống vừa dạo quanh khu phố nhằm xua đuổi tà ma vào những ngày giữa hè đã bắt nguồn cho sự kiện này.

Ánh đèn Thắp sáng màn đêm

Chỉ sử dụng hông, vai hoặc trán của họ, những người trẻ tuổi mặc trang phục lễ hội truyền thống thay phiên nhau nâng những cột tre cao 12m được trang trí bằng 46 chiếc đèn lồng giấy và những mảnh giấy, tất cả đều được giữ chặt bằng các thanh gỗ. Sau đó, họ diễu hành qua thị trấn cùng với tiếng sáo và trống, vừa đi vừa hò hét nhiệt tình và đảm bảo cho ánh sáng trong những chiếc đèn lồng không bị tắt.


Xua đuổi tà ma

Người ta tin rằng thông qua việc nâng các cột nặng, tà ma sẽ bị xua đuổi, và mọi người có thể dâng lễ cầu nguyện cho Thần đạo Shinto và các thần linh trong Phật giáo. Các cột có thể nặng tới 50 kg và có hình dạng giống như những bông lúa, qua đó truyền sức mạnh cho những lời cầu nguyện cho một vụ mùa bội thu.

Hãy ở lại sau buổi biểu diễn chính để tham gia một buổi trò chuyện ngắn được dẫn dắt bởi những người biểu diễn, qua đó họ sẽ giải thích cách họ xoay sở với các cột. Bạn cũng có thể tạo dáng để chụp ảnh và thử nâng chúng lên.

Hơn 280 chiếc gậy Kanto được người cầm “sashite” lần lượt di chuyển và lấy thăng bằng bởi bàn tay, trán, vai và lưng một cách khéo léo. Cây sào tre dài treo những chiếc lồng đèn trông như bông lúc vàng đung đưa trong gió thật ấn tượng.

Bên cạnh đó, lồng đèn trên mỗi cây gậy đều có hoa văn khác nhau, tượng trưng cho hình ảnh của mỗi khu phố. Ánh sáng đèn cầy thắp lên bên trong những hình vẽ đặc sắc đẹp huyền ảo.


8.Lễ hội Domannaka Matsuri 

lễ hội nhảy múa mùa hè ở Nagoya, "Domatsuri", tên ngắn gọn cho "Domannaka Matsuri", là lễ hội nhảy múa lớn nhất ở Nhật Bản, và nó được ghi vào Sách Kỷ lục Guinness Thế giới vào năm 2010. Hơn 200 đội và hơn 23000 người tham gia vào lễ hội, tổ chức tại nhiều nơi ở Nagoya, vào cuối tháng Tám hằng năm. Về mặt địa lý, Nagoya nằm ngay giữa trung tâm của Nhật Bản ( Domannaka nghĩa là "trung tâm" ), và mọi người trên khắp nước Nhật tụ hội lại để thưởng thức những điệu nhảy truyền thống và trang phục đa dạng. Lễ hội này, bắt đầu vào năm 1999, có hai luật: Những người thi nhảy phải sử dụng "Naruko" ( một nhạc cụ tạo nên âm thanh như bộ gõ đuổi chim ) và những bài dân ca Nhật Bản nên được sử dụng trong điệu nhảy của họ. 

Hơn 2 triệu người đi du lịch đến Nagoya nhưng trong đợt lễ hội, có khoảng 2.3 triệu người đến thưởng thức lễ hội thú vị này vào giữa mùa hè. Domatsuri cũng nổi tiếng với "Souodori", nơi người biểu diễn và người xem nhảy cùng nhau.

"Souodori" đạt được một kỷ lục thế giới Guinness năm 2010 cho "điệu nhảy Naruko đông nhất.


9.Lễ hội bắn pháo hoa ở Nagaoka

Lễ hội Nagaoka được tổ chức từ ngày 01 đến 03 tháng 08. Lễ hội này được tổ chức kéo dài 3 ngày (1-3/08). Bắt đầu với lễ hội thả hoa đăng trên dòng sông Kaki để tưởng nhớ và cầu siêu cho linh hồn những nạn nhân vụ nổ bom. Các hoạt động lễ hội được tổ chức dày đặt với đỉnh cao là màn pháo hoa vào ngày 02/08 và ngày 03/08. Bạn có thể ngắm diễu hành rước kiệu và các điệu nhảy dân gian địa phương, cùng với điểm thu hút chính là màn trình diễn cực kỳ lớn diễn ra trên sông Shinano.

Lễ hội này bắt đầu từ năm 1946 là một sự kiện tái thiết sau thiệt hại chiến tranh để nguyện cầu cho những người đã mất trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, mang theo tinh thần Nhật Bản qua nhiều thập kỷ.

Pháo hoa sanshakudama rộng đến 650 m, pháo hoa thác nước và pháo hoa núi lửa, và cả 20.000 pháo hoa shakudama nhỏ hơn sẽ tỏa sáng trên bầu trời đêm.

Pháo hoa rất lớn, bạn có thể nằm dọc bên bờ sông và ngắm bầu trời đêm được thắp sáng đủ màu đỏ, xanh lá cây, xanh da trời và vàng…
“Phượng hoàng” là điểm nhất của cảnh sắc khó quên này. Tại phần này, pháo hoa kéo dài 5 phút theo điệu của bài hát “Jupiter (Sao Mộc)” của tác giả Ayaka Hirahara, được viết cho công cuộc tái thiết khu vực Niigata sau thảm hoa động đất. Giai điệu động lòng người này và cảnh tượng rực rỡ của pháo hoa sẽ làm nhiều người rơi nước mắt.

Cảnh cuối kéo dài khoảng 2km dọc bờ sông, khiến Pháo hoa Nagaoka là màn trình diễn pháo hoa rộng nhất trên thế giới.

Bên cạnh pháo hoa, bạn có thể chiêm ngưỡng các diễu hành thuyền và rước kiệu, các điệu nhảy dân gian, và cả lồng đèn thả trôi sông còn gọi là toro nagashi và nhiều sự kiện khác tại lễ hội.


10.Lễ hội vũ điệu Morioka Sansa-odori

Điệu múa Sansa-odori là một nghệ thuật truyền thống lưu truyền bao đời tại thành phố Morioka của tỉnh Iwate. Nó bắt nguồn từ các lễ hội riêng biệt tổ chức ở các nơi trong thành phố sau này kết hợp lại và trở thành một sự kiện du lịch tham quan.

Nguồn gốc của điệu múa Sansa-odori

Trong đền Mitsuishi ở thành phố Morioka có 3 tảng đá lớn. Tương truyền đây là những tảng đá từ dung nham phun trào của núi lửa ngày xưa để lại, và được coi như một vật thiêng liêng của tín ngưỡng từ xưa.

Chuyện kể là, có một con quỷ tên là Rasetsu đã xuất hiện và quấy rối dân làng ở đây. Vì vậy dân làng đã đến đền Mitsuishi và cầu nguyện thần linh bắt con quỷ này.

Sau khi nghe lời thỉnh cầu của dân dàng, thần linh đã bắt con quỷ và giam giữ nó trong tảng đá. Sau đó để chứng minh nó sẽ không làm điều xấu lần nữa, dấu tay quỷ đã được lưu lại ở tảng đá. Đây cũng là nguồn gốc cho tên tỉnh Iwate (nghĩa là “cánh tay hóa thạch").

Vui mừng vì điều này, dân làng đã ca hát nhảy múa, đánh trống xung quanh 3 hòn đá và hò reo “Sansa, Sansa", và điệu múa “Sansa-odori" bắt đầu từ đó.

Điểm nổi bật của điệu múa Morioka Sansa-odori

Điệu múa Morioka Sansa-odori đang giữ kỷ lục Guinness về biểu diễn trống taiko với quy mô lớn nhất thế giới. Con số lên đến 3500 chiếc trống! Được coi là một cuộc diễu hành trống hoành tráng nhất thế giới! Âm thanh trống vang lên khắp phố cộng hưởng đến cả từng tế bào của các du khách đến đây.


(Nguồn sưu tầm)

------------------------------------------------------------------------------------------
DU HỌC - NGUỒN SÁNG MỚI
Địa chỉ : 52 Đại Lộ 3, P. Phước Bình, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 6651 5050 Hotline: 098 529 9649 - 093 275 2750
Fanpage Nguồn Sáng Mới:https://www.facebook.com/nguonsangmoi

Chia sẻ:
Bài viết khác:
Zalo
Hotline