LỄ HỘI THÁNG 9 Ở NHẬT BẢN

Chào mừng bạn đến với website Du học Nguồn Sáng Mới Email: info@nguonsangmoi.edu.vn
Hotline (+84) 93 275 2750 (+81) 80 3868 2750
LỄ HỘI THÁNG 9 Ở NHẬT BẢN
Ngày đăng: 24/05/2022 09:26 AM

LỄ HỘI THÁNG 9 Ở NHẬT BẢN

Nhật Bản hầu như mỗi mùa đều có các lễ hội lớn nhỏ, đặc biệt vào mùa thu, đất nước mặt trời mọc tưng bừng chào đón những lễ hội lớn nhất năm. Nếu có dịp đến với Nhật Bản đừng bỏ qua tháng 9 nhé! Đó là những lễ hội như thế nào. Cùng Nguồn Sáng Mới tìm hiểu nhé !

1.Lễ hội Kishiwada Danjiri Matsuri

Là 1 trong những lễ hội lớn ở thành phố Kishiwadam tỉnh Osaka, thu hút hàng trăm nghìn người đến thưởng thức.

Lễ hội mạo hiểm, đã có hơn 300 năm tuổi, nếu bạn là một người không thích chen lấn sô đẩy thì lễ hội này sẽ không dành cho bạn, những chàng trai to khỏe của Nhật Bản sẽ cùng nhau đẩy những chiếc kiệu có chiều cao khoảng 4m với tốc độ cực nhanh.

Là một trong những lễ hội lâu đời và sinh động nhất tại Nhật Bản, Kishiwada Danjiri Matsuri diễn ra thường niên vào giữa tháng 9 ở Kishiwada, phía nam Osaka. Đây là một lễ hội thu hoạch để cầu nguyện cho một mùa thu tốt đẹp.
Tại lễ hội, người dự thi sẽ phải uống rượu say mèm trước khi bắt đầu cuộc đua với những chiếc xe Danjiri – có hình dáng của một ngôi đền, nặng hơn 300kg, chế tác từ gỗ mộc với những nét chạm khắc công phu, tỉ mỉ – được đẩy thật nhanh qua các dãy phố bởi những thanh niên khỏe mạnh khoác trên mình loại áo truyền thống Happi, đầu quấn khăn. Không khí lễ hội càng thêm phần rộn ràng khi tất cả thành viên tham gia, có lúc lên tới 1,000 người, vừa đẩy xe vừa hô vang “Kakegoe” (Hò dô ta) hòa cùng nhạc điệu phát ra từ những cỗ xe Danjiri.

Kishiwada Danjiri được xem là lễ hội cuồng nhiệt nhất của Osaka nếu có dịp bạn hãy đến tham gia và trải nghiệm nhé.


2.Tsurugaoka Hachimangu Reitaisai 

Tsurugaoka Hachimangu Reitaisai là lễ hội Nhật Bản mang đến cho bạn màn trình diễn bắn cung đặc sắc từ thời xưa cổ. Thoạt nhìn chúng có phần đơn giản nhưng khi chứng kiến trận đấu, bạn sẽ cảm nhận được mức độ gay go và khó nhằn. Người thi đấu tựa như một dũng sĩ hiên ngang ngồi trên lưng ngựa, sử dụng nghệ thuật bắn cung Yabusame sao cho trúng đích. Những màn trình diễn hay ho này sẽ khiến bạn đi từ hồi hộp cho đến phấn khích không ngừng. 

Yabusame là kĩ thuật bắn cung phát triển rầm rộ nhất vào thời Kamakura (1185-1333). Đây được xem là một binh pháp quan trọng nhằm giúp nước Nhật chiến thắng đối thủ. 

Lễ hội Nhật Bản Tsurugaoka Hachimangu Reitaisai được tổ chức từ ngày 14-16 tháng 9 hằng năm. Đây là ngày lễ duy nhất trong năm người dân và du khách có cơ hội chiêm ngưỡng màn bắn cung Yabusame đặc sắc. 

Ngoài ra, tại lễ hội Tsurugaoka Hachimangu Reitaisai bạn còn được thỏa sức thưởng thức các món ăn Nhật Bản đặc sắc. Người bán sẽ dựng những hàng quán gần khu vực diễn ra trận đấu để du khách dễ dàng tìm đến. Các món ăn ở đây hết sức phong phú và mang đậm hương vị truyền thống của người Nhật. Đây là lễ hội cực kỳ hấp dẫn, đừng bỏ qua cơ hội tham dự nếu có cơ hội tới thăm Nhật Bản các bạn nhé!

 

3.Ngày Kính lão (敬老の日 Keirou no hi)

Nhật Bản là quốc gia có số dân già nhất thế giới, với tỷ lệ người cao tuổi ở nước này chiếm 28,4% tổng dân số (theo dữ liệu của chính phủ Nhật Bản - 2019). Với đặc trưng này, ở xứ sở “Mặt trời mọc” còn có một ngày lễ riêng để tỏ lòng tôn kính, kính trọng với những thế hệ đi trước. Đó là Ngày Kính lão (Keiro No Hi – 敬老) rơi vào thứ Hai lần thứ 3 của tháng 9 và năm nay là ngày 21 tháng 9.

Ngày Kính lão (敬老 – Keirou no hi) là một trong những ngày lễ quốc gia của Nhật Bản. Ngày thứ Hai của tuần thứ 3 tháng 9 hàng năm được chọn là ngày Kính lão. Ngày lễ ngày được tổ chức vào thứ Hai để người Nhật Bản có kỳ nghỉ 3 ngày (thứ Bảy, Chủ nhật và thứ Hai).

Đây là ngày lễ để tri ân những người cao tuổi, dịp để những người con xa nhà trở về quây quần với gia đình hoặc biết ơn và nhớ đến người thân trong gia đình, đặc biệt là ông bà của mình. Đến đây, sẽ có nhiều bạn thắc mắc là từ bao nhiêu tuổi trở lên thì mới là đối tượng được tôn vinh trong ngày lễ này. Thưc ra thì điều này không hề quan trọng mà điều quan trọng và ý nghĩa nhất trong ngày này đó là con cháu bày tỏ tấm lòng mình với thế hệ đi trước, đặc biệt là với ông bà.

Nguồn gốc của ngày Kính lão

Ngày Kính lão hiện nay được cho là có nguồn gốc từ ngày Toshiyori (Toshiyori no hi - としよりの: ngày của người lớn tuổi) được khởi sướng bởi trưởng làng Kadowaki Masao của làng Nomadani thuộc tỉnh Hyogo vào năm 1947, nhằm bày tỏ sự kính trọng với những người lớn tuổi trong làng và cảm ơn họ đã có công xây dựng và bảo vệ làng. Khi đó, ngày Toshiyori được chỉ định là ngày 15/9, vì đây là lúc thời tiết mát mẻ và vụ mùa vừa xong nên thích hợp để tổ chức tiệc tùng.

Đến năm 1950, ngày Toshiyori bắt đầu phổ biến trên toàn tỉnh Hyogo và từ năm 1954 thì ngày này chính thức được xem như là một ngày lễ quốc gia và kỉ niệm rộng rãi trên toàn Nhật Bản. Tuy nhiên, vì có nhiều ý kiến tranh cãi về cách gọi "Toshiyori no hi" nên ngày này đã được đổi tên thành "Rojin no hi" (老人) . Năm 1966, một lần nữa ngày Kính lão được đổi tên thành "Keiro no hi" (敬老) và từ đó đến hiện tại không có lần thay đổi tên nào nữa.

Ngoài ra, trước kia ngày Kính lão được chỉ định là ngày 15/9, tuy nhiên sau khi chế độ "Thứ Hai vui vẻ" (Happy Monday) được thông qua thì ngày này đã chính thức được chuyển sang ngày thứ Hai tuần thứ 3 của tháng 9 từ năm 2003 để tạo thành 3 ngày nghỉ liên tiếp là thứ Bảy, Chủ nhật và thứ Hai.

Người nhật làm gì vào ngày kính lão

Thường thì vào ngày này, con cháu sẽ biếu ông bà những món quà để thể hiện tấm lòng của mình. Đó có thể là những món quà đắt tiền, đồ dùng tiện ích cho ông bà, cũng có thể là những món quà tự tay làm như bánh ngọt, quần áo hoặc chỉ đơn giản là mâm cơm quây quần bên gia đình. Nhưng trên tất cả, có lẽ món quà ông bà yêu thích nhất là tình yêu của con cháu đối với chính mình. Ngoài ra, một số hoạt động vui chơi cũng được tổ chức để phục vụ nhu cầu giải trí của người già.


4.Ngày thu phânー秋分

Thu phân là ngày lễ thờ kính tổ tiên và tưởng nhớ đến người đã khuất, từng được gọi là Shuki Koreisai (Lễ cảm tạ thần linh tiết thu). Vào dịp thu phân, thời gian giữa ngày và đêm gần bằng nhau. Vì qua ngày này thời gian mặt trời lên cao sẽ ngắn đi, nên từ xưa đây được gọi là “ngày giữa thế giới cực lạc và thế giới hiện tại đến gần nhau hơn”. Nếu giải nghĩa theo thiên văn học, lễ thu phân là thời điểm “mặt trời đi ngang qua điểm thu phân của kinh tuyến hoàng đạo 180 độ trên thiên cầu”, có sự chênh lệch theo mỗi năm từ khoảng ngày 22 - 24/9. Vì vậy cứ đến ngày 1/2 hàng năm, hội nghị nội các sẽ dựa theo bảng lịch “Rekisho-nenpyo (暦象年表)” do đài thiên văn quốc gia lập nên và quyết định ngày lễ thu phân thích hợp.

Tuần lễ có ngày lễ thu phân được gọi là “Aki higan (秋彼岸)”. Mùa xuân cũng có ngày lễ xuân phân, nên tuần lễ có ngày lễ xuân phân thì được gọi là “Haru higan (春彼岸)”. Từ ngữ “Higan (Bỉ ngạn)” trong Phật giáo mang ý nghĩa “thế giới giác ngộ được từ thế giới đầy phiền não”, nói đơn giản hơn là “thế giới có các linh hồn của tổ tiên, những người đi trước sinh sống”. Để cúng dưỡng linh hồn tổ tiên, cứ đến thời gian này thì mọi người thường hay đi viếng mộ.

Ở vùng nông thôn, cứ đến dịp xuân phân thì người dân có phong tục tín ngưỡng thiên nhiên, cầu nguyện cho đất đai được mùa, đến thu phân thì sẽ ăn mừng cho mùa vụ đã qua. Từ trước lễ xuân phân, họ sẽ đón linh hồn tổ tiên, tượng trưng của thần núi về và sau lễ thu phân sẽ tổ chức nghi lễ tiễn đưa người đi. Song sau khi Phật giáo hội nhập, lễ thu phân còn được biết đến là “Aki higan” và bắt đầu mang ý nghĩa cúng dưỡng tổ tiên.

Ngoài việc viếng mộ, người Nhật còn có phong tục ăn bánh Ohagi vào ngày này. Bánh được làm từ đậu đỏ và được tin rằng có công dụng trừ ma, được sử dụng làm đồ cúng nhằm xua đuổi tà khí.

Vào dịp thu phân, hoa bỉ ngạn rực sắc đỏ như những đốm lửa ma mị còn được biết đến là loài hoa tượng trưng cho mùa thu Nhật Bản. Cuốn hoa dài vươn lên và những cánh hoa xòe rộng như những tia pháo bông đặc sắc không lẫn vào đâu được.


5.Lễ hội Furrusato Hyappei

Thời gian diễn ra khoảng giữa tháng 9 tại Iwamizawa, Hokkaido.

Cũng giống như Việt Nam, một số khu vực ở xứ sở Phù Tang vẫn làm nghề trồng lúa nước, sản xuất nông nghiệp. Và để cầu mong một mùa bội thu, người dẫn sẽ tổ chức các lễ hội cầu nguyện. Trong đó,Lễ hội này có niên đại từ năm 1983 để cầu nguyện cho vụ mùa bội thu tại địa phương. Một cái chày nặng 200kg được kéo lên cao 13m và sử dụng để giã 60kg gạo trong cái cối nặng tới 4 tấn và rộng 2.4m.


6.Lễ hội Ikebukuro (Fukuro Matsuri)

Thời gian diễn ra: 25 - 26/9
Địa điểm: Ikebukuro, Tokyo
Lễ hội này được tổ chức nhằm cho các du khách nước ngoài tham gia, bạn có thể đến và cùng tham gia với những người khác việc của bạn là mang Mikoshi băng qua các đường phố của Ikebukuro, ngoài ra các bạn sẽ được tham gia hoặc chiêm ngưỡng những điệu múa dân gian và trình diễn Karate của Nhật Bản.


7.Lễ hội Kokkeisetsu
Thời gian diễn ra: 30/9 - 01/10
Địa điểm: Chinatown, Yokohama
Lễ hội này diễn ra nhằm kỷ niệm dành cho những người dân Trung Quốc tại Nhật Bản, được diễn ra tại một khu phó Tàu lớn nhất tại Nhật Bản, những hoạt động như múa lân, ca hát, đốt pháo, và đặc biệt sẽ chia bánh trung thu khổ lồ cho 300 du khách may mắn đến với Nhật Bản.


Đến với Nhật Bản vào tháng 9 các bạn không chỉ được đi du lịch ở các địa điểm vui chơi giải trí mà bạn còn có cơ hội để tham gia vào các lễ hội của Nhật Bản, nếu bạn cảm thấy yêu thích một trong số các lễ hội sau đây, bạn có thể lựa chọn ngày đi và đến với Nhật Bản để trải nghiệm các lễ hội của Nhật Bản và khám phá những nét đẹp văn hóa của người dân nơi đây nhé.

(Nguồn sưu tầm)
------------------------------------------------------------------------------------------
DU HỌC - NGUỒN SÁNG MỚI
Địa chỉ : 52 Đại Lộ 3, P. Phước Bình, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 6651 5050 Hotline: 098 529 9649 - 093 275 2750
Fanpage Nguồn Sáng Mới:https://www.facebook.com/nguonsangmoi

Chia sẻ:
Bài viết khác:
Zalo
Hotline