LỄ HỘI THÁNG 10 Ở NHẬT BẢN

Chào mừng bạn đến với website Du học Nguồn Sáng Mới Email: info@nguonsangmoi.edu.vn
Hotline (+84) 93 275 2750 (+81) 80 3868 2750
LỄ HỘI THÁNG 10 Ở NHẬT BẢN
Ngày đăng: 24/05/2022 09:44 AM

LỄ HỘI THÁNG 10 Ở NHẬT BẢN

 Nhật Bản bước vào mùa thu với những hàng cây, cánh rừng bắt đầu chuyển mình thay lá, chúng rủ bỏ sắc xanh và mang lên chiếc áo mới bằng những gam màu sặc sỡ đỏ, cam, vàng khiến cho du khách say đắm. Bên cạnh khung cảnh thiên nhiên hữu tình là rất nhiều lễ hội đặc sắc được tổ chức xuyên suốt khi thu về.
Cùng Nguồn Sáng Mới tìm hiểu nhé !

1.Lễ hội Nagasaki Kunchi
Nagasaki Kunchi (長崎くんち) với màn múa lân Trung Hoa đặc sắc ở đền Suwa  được tổ chức trong ba ngày 7, 8 và 9 của tháng 10 hàng năm. Người dân thành phố Nagasaki còn dành cho lễ hội này một tên gọi trìu mến khác là O-Suwa-san với ý nghĩa tôn vinh vị thần Ujigami của địa phương được thờ phụng tại đền Suwa. Từ năm 1634, nhằm chống lại trào lưu theo đạo Thiên chúa đang diễn ra tại đây, nhà cầm quyền Nagasaki đã ra sức ủng hộ việc phát triển lễ hội này bằng việc cho phép hai vũ nữ đến đền Suwa để dâng lên thần linh điệu múa Komai, một điệu múa trong kịch Kyogen. Hono-odori đã được công nhận là di sản văn hóa dân gian và trở thành điểm nhấn của lễ hội.

Những buổi trình diễn của các Odori-cho được tổ chức ở 4 sân khấu chính là đền Suwa, đền Otabisho, đền Yasaka và đền Kokaido trong các buổi sáng và tối từ ngày 7 đến ngày 9. 

Trong buổi khai mạc vào 7 giờ sáng ngày 7/10 tại quảng trường trước đền Suwa, các Odori-cho sẽ lần lượt trình diễn Hono-odori trong tiếng nhạc, tiếng trống, tiếng sáo rộn ràng cùng với tiếng reo hò náo nhiệt. Nội dung nghệ thuật mà các Odori-cho mang đến cho lễ hội rất đa dạng và phong phú, cho thấy được sự tiếp biến văn hóa độc đáo chỉ có ở thành phố cảng Nagasaki.  

Nếu Hono-odori, Kawa-fune, Takara-fune mang đậm nét văn hóa bản địa thì Tosen-matsuri và Ja-odori là nét văn hóa tiếp thu của Trung Hoa. Ngoài ra, Oranda-bune là màn trình diễn tái hiện sự có mặt của người Hà Lan tại Nagasaki trong thế kỷ 17. Đặc biệt, mối quan hệ giao hảo giữa Việt Nam và Nhật Bản cũng được thể hiện qua màn trình diễn Go-shuinsen, tái hiện quang cảnh người dân Nagasaki chào đón thương nhân kiệt xuất Sotaro Araki đưa công chúa Ngọc Hoa, vốn là con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã được gả cho ông, về đến quê hương. Mối lương duyên này đã được chúc phúc và cho đến tận ngày qua đời, công chúa Ngọc Hoa vẫn được người dân Nagasaki gọi bằng cái tên trìu mến là Anio-san.

Có thể nói, với trọng tâm là các nghi lễ dân gian đặc sắc, Nagasaki Kunchi cũng như nhiều lễ hội địa phương khác, có thể khiến bất cứ người Nhật Bản nào cũng cảm thấy tự hào và càng thêm yêu mến quê hương đất nước.

https://www.nhatbanaz.com/wp-content/uploads/mua-rong-Nagasaki-Kunchi.jpg

2.Lễ hội Takayama
Lễ hội Takayama là Lễ hội mùa thu (ngày 9, 10/10 hàng năm) là lễ hội lớn được tổ chức hàng năm tại đền Sakurayama Hachimangu, còn có 1 tên gọi khác là “Lễ hội Hachiman”.

Lễ hội Takayama xuất phát từ thời kỳ cai trị của các Daimyo thuộc dòng họ Kanamori ở Hida vào năm 1718. Mặc dù, tiết trời thu se lạnh nhưng bầu không khí lễ hội Takayama ở đền Hachiman diễn ra rất nóng, nhất là khi 12 chiếc kiệu rước đầy màu sắc, trang trí nhiều karakuri ningyo – búp bê máy có thể di chuyển và nhảy múa - diễu hành qua các con phố cổ. Đây cũng chính là tiền đề của những con robot hiện đại Nhật Bản. Các họa tiết lộng lẫy được tạo bởi đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân bậc thầy gọi là Hida No Takumi. Chúng thường được mô tả là “mobie Yomeimon” gắn với hình ảnh chiếc cổng Yomeimon nổi tiếng của ngôi đền Nikko.

Mặc dù, tiết trời thu se lạnh nhưng bầu không khí lễ hội Takayama ở đền Hachiman diễn ra rất nóng, nhất là khi 12 chiếc kiệu rước đầy màu sắc, trang trí nhiều karakuri ningyo – búp bê máy có thể di chuyển và nhảy múa – diễu hành qua các con phố cổ. Đây cũng chính là tiền đề của những con robot hiện đại Nhật Bản.


Hàng năm, lễ hội mùa thu Takayama thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tham quan. Các khách sạn ở trung tâm thị trấn thường kín lịch đặt phòng từ vài tháng trước diễn ra lễ hội. Những thị trấn lân cận như Furukawa và Gero Onsen thì ở khá xa và khó xem được lễ hội buổi tối. Vì vậy, nếu bạn muốn đến đó hòa mình vào lễ hội thì nên đặt phòng trước nửa năm.


Lễ hội Nagoya
Trong khoảng tháng 10 tại Nhật Bản, có một lễ hội văn hóa lớn được tổ chức, tuy rằng có lịch sử chưa lâu, nhưng lễ hội này thu hút hàng chục triệu du khách đến tham dự lễ hội này hàng năm. Đó là lễ hội Nagoya, được tổ chức tại thành phố Nagoya. Đây là lễ hội nhằm kỷ niệm 3 vị anh hùng samurai: Hideyoshi, Nobunaga và Ieyasu.

Trong lịch sử của vùng đất Nagoya, có 3 vị anh hùng samurai lỗi lạc, có công rất lớn đưa các lãnh chúa thời phong kiến hung hăng thành một tổ chức thống nhất, mang đậm tinh thần võ sĩ đạo, đó là Nobunaga, Hideyoshi và Ieyasu. Người dân trong vùng thường có những lễ hội nhỏ để tưởng nhớ về họ.

Bắt đầu từ mùa thu năm 1955, chính quyền thành phố Nagoya bắt đầu tổ chức lễ hội văn hóa nhằm tôn vinh 3 vị anh hùng này. Lễ hội diễn ra thường niên và thu hút khách du lịch đến tham dự lễ hội ngày càng đông.

Các hoạt động diễn ra trong lễ hội Nagoya

Để khởi đầu cho lễ hội Nagoya, các thanh niên vận trang phục các chiến binh Nhật thời cổ sẽ đi diễu hành bên những chiếc thuyền hoa được trang trí, chạm khắc rất điêu luyện. Phía sau là các tốp vũ công và các thanh niên cáng Mikoshi-ngai vàng di động của thần Shinto.

Một chú voi vàng Shachihoko – biểu tượng cho thành Nayago, chiễm chệ trên chiếc Mikoshi. Lễ hội này được huy động rất nhiều nam thanh nữ tú từ nhiều trường học, câu lạc bộ hay các tổ chức xã hội để hóa thân vào các nhân vật lịch sử nổi tiếng của Nhật.

Đây là cơ hội thú vị để bạn hòa mình vào không khí lễ hội sôi động, đầy màu sắc của thành phố Nagoya. Du lịch Nagoya bạn còn được tham dự Triển lãm mùa thu thành Nagoya – Triển lãm đặc biệt Tenshukaku thành Nagoya, tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của thành Nagoya như lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật.


Lễ hội Kenka Matsuri
Nhật Bản đúng thật là đất nước của các lễ hội. Vào tháng 10 hàng năm, một lễ hội lớn được tổ chức định kỳ vào 2 ngày 14 và 15 tại Đền Matsubara, Himeji, Hyogo, Nhật Bản. Đó là lễ hội Kenka Matsuri (Nada Matsuri), hay “lễ hội đánh nhau”.

Lễ hội Kenka Matsuri bắt đầu được tổ chức cách đây khoảng 300 năm. Từ Kenka trong tiếng Nhật có nghĩa là chiến đấu. Ý nghĩa của lễ hội Kenka Matsuri cuộc chiến đấu giữa 7 ngôi làng để làm hài lòng các vị thần. Theo quan niệm của người dân Nhật Bản về lễ hội này, cuộc chiến đấu càng mãnh liệt, các vị thần càng hài lòng. Người ta tin rằng các vị thần sẽ ban phước cho người chiến thắng với một vụ thu hoạch tốt trong năm sau.

Lễ hội Kenka Matsuri chỉ dành cho đàn ông, và chỉ có những người trong độ tuổi từ 16 đến 45 tuổi tham dự (trừ làng Kiba cho phép đàn ông dưới 16 tuổi tham dự ở tư cách giữ đèn lồng).


Lễ hội mùa thu tại đền Nikko Toshogu

Lễ hội mùa thu tại đền Nikko Toshogu thường diễn ra trong hai ngày là ngày 16 và 17 tháng 10 hàng năm.

Đền Nikko Toshogu thuộc tỉnh Tochigi, Nhật Bản được xây dựng bởi con trai của Tokugawa Leyasu (người sáng lập và là shogun đầu tiên của Mạc phủ Tokugawa) nhằm làm nơi an nghỉ của cha mình khi ông mất vào năm 1616. Sau khi ngôi đền được xây dựng xong, một lễ diễu hành lớn với sự tham gia của hơn 1000 Samurai, thuộc hạ của tướng quân Tokugawa Ieyasu tham gia đưa tiễn linh cữu ông từ núi Kunousan về đền thờ Toshogu như hiện nay. Từ đó về sau, cuộc diễu hành này được tổ chức thường niên và trở thành một lễ hội đặc trưng mùa thu như một tưởng niệm về người anh hùng Tokugawa Ieyasu.

Một số hoạt động đặc trưng của lễ hội như: cuộc diễu hành Yabusame của các kị binh mặc trang phục samurai, cuộc thi biểu diễn Yabusame tại đền Toshogu, lễ diễu hành tưởng niệm vị tướng quân, lễ hội âm nhạc truyền thống,…


Lễ hội Jidai Matsuri

Jidai Matsuri là lễ hội lớn mang những trang phục lịch sử lâu đời của Nhật Bản được tổ chức vào ngày 22 tháng 10 tại Đền Heian Jingu, Kyoto

Lễ hội Jidai Nhật Bản hay lễ hội của các triều đại là một trong những lễ hội truyền thống của Nhật Bản. Đây cũng là một trong ba lễ hội nổi tiếng của Kyoto.Tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể tham dự lễ hội Jidai, tham gia vào lễ diễu hành hóa trang cùng những bộ trang phục tái hiện lại các thời kì quan trọng của Nhật Bản như thời kì phong kiến.

Lễ hội Jidai được bắt nguồn từ việc dời kinh đô đến thành phố Tokyo của Nhật hoàng, hoàng tộc và hàng trăm quan chức chính phủ khác, vào năm 1868 ( thủ đô trước đây của Nhật là Kyoto). Để gìn giữ danh tiếng cũng như sự quấn hút của thành phố Kyoto đối với người dân, chính quyền ở thủ đô cùng các quan chức ở thành phố Kyoto đã tổ chức kỉ niệm một nghìn một trăm năm ngày thành lập Kyoto, lệnh được ban bởi Nhật hoàng Kammu (737- 806) vào năm 794. Để giới thiệu lễ hội Jidai đầu tiên được tổ chức vào năm 1895, chính quyền địa phương đã xây dựng đền thờ Heian để tưởng nhớ và thờ cúng linh hồn của Nhật hoàng Kammui.

Lễ hội Jidan còn mang ý nghĩa tái hiện lại con người ở từng thời kì của lịch sự thành phố Kyoto. Đến năm 1940, lễ hội Jidan còn được tổ chức để tưởng nhớ đến Nhật hoàng Kammui và vinh danh Nhật hoàng Komei ( 1831- 1867)- người đã có công trong việc thống nhất đất nước, quyền lực của hoàng tộc cùng sự thừa nhận Kyoto vẫn là trung tâm của Nhật Bản ngay cả trong thời kì suy tàn của triều đại Edo.


Lễ hội lửa trên núi ở Kyoto

Lễ hội lửa Kurama là một trong 3 lễ hội lớn nhất vùng Kyoto, thu hút rất đông du khách. Lễ hội diễn ra vào ngày 22/10 hàng năm tại Đền Yuki-Jinja trên sườn núi Kurama, có lịch sử gần 1100 năm, cách Thành phố Kyoto khoảng 30km về phía Bắc.  Đây là lễ hội được đánh giá là một trong những lễ hội truyền thống lập dị nhất của đất nước Nhật Bản diễn ra từ 6 giờ tối đến nửa đêm.

Lễ hội diễn ra tại sườn núi Kurama. Bắt đầu từ 6 giờ tối và kết thúc vào lúc nửa đêm. Không khí trong lễ hội cực kỳ sôi nổi với sự tham gia của rất nhiều đàn ông trong vùng, từ trẻ em, đến thanh niên và trung niên. Điểm thu hút lớn nhất của lễ hội lửa này là đoàn những người đàn ông địa phương mang theo ngọn đuốc lớn rực cháy tập kết về trước Đền Yuki. Tiếp đó là đoàn rước kiệu Mishoki đi xung quanh làng rồi trở về Đền Yuki. Những người đàn ông tham gia lễ hội sẽ mặc trang phục truyền thống của vùng đất này những năm 940. Trang phục của họ gồm: 1 chiếc áo giáp vải với hoa văn nhiều màu, 1 chiếc khố truyền thống, 1 chiếc váy được bện bằng sợi dây thừng, 1 đôi dép chiến binh, 1 miếng vải đệm trên vai (để đặt ngọn đuốc).

(Nguồn sưu tầm)

------------------------------------------------------------------------------------------
DU HỌC - NGUỒN SÁNG MỚI
Địa chỉ : 52 Đại Lộ 3, P. Phước Bình, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 6651 5050 Hotline: 098 529 9649 - 093 275 2750
Fanpage Nguồn Sáng Mới:https://www.facebook.com/nguonsangmoi

Chia sẻ:
Bài viết khác:
Zalo
Hotline